Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.315.267
Truy cập hiện tại 2
SAU LY HÔN, CHỒNG CŨ KHÔNG CHO THĂM CON THÌ PHẢI LÀM SAO?
Ngày cập nhật 25/03/2023

Hỏi: Tôi và chồng đã ly hôn được 6 tháng theo đúng pháp luật, chồng tôi được quyền nuôi con. Nhưng trong dịp Tết này, khi tôi đến thăm con thì chồng cũ và gia đình anh ấy đã ngăn cản, đuổi tôi đi không cho tôi gặp con. Có cách nào để giải quyết tình trạng này cho tôi được thăm và gặp con mình không ạ?

Trả lời:

Sau khi nghiên cứu thông tin bạn cung cấp, căn cứ và quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái sau ly hôn do hai bên vợ chồng tự mình thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được sẽ do Tòa án chỉ định.

Khi đó, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đồng thời, người này cũng có quyền được thăm con mà không ai cản trở.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng nêu rõ: “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.”

Như vậy, nếu cha/mẹ không trực tiếp nuôi con thì hoàn toàn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con trừ trường hợp bị Tòa án hạn chế quyền thăm non con.

Bởi vậy, để được thăm con khi bị chồng cũ cản trở thì bạn có thể:

- Thứ nhất, bạn có thể trình báo sự việc lên Chủ tịch ủy ban dân cấp huyện nơi chồng cũ bạn cư trú vì theo quy định định của Điều 56, Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”

- Thứ hai, bạn có thể yêu cầu Tòa án thay đổi quyền nuôi con nếu có đủ căn cứ chứng minh chồng cũ không đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “…2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.…”

Bộ phận tư vấn pháp luật – Văn phòng luật sư Huế (HUELAW)

 

Bài viết khác
Xem tin theo ngày