Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.132.368
Truy cập hiện tại 308
CỔ ĐÔNG SỞ HỮU BAO NHIÊU PHẦN TRĂM CỔ PHẦN ĐỂ CÓ QUYỀN KIỂM SOÁT CÔNG TY
Ngày cập nhật 13/07/2023

Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp phức tạp, có cấu trúc quản lý và điều hành nhiều cấp, nhiều người và đòi hỏi các thành viên quản lý phải có kiến thức pháp lý, kỹ năng và kinh nghiệm để vận hành công ty. Trong công ty, các cổ đông chính là các chủ sở hữu, quyền lực của mỗi cổ đông được thể hiện bằng quyền biểu quyết dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần đã mua của mỗi cổ đông trong tổng vốn điều lệ của công ty. Do đó, việc nắm giữ tỷ lệ sở hữu một số lượng cổ phần trong công ty là cách thức chi phối và kiểm soát công ty tối ưu nhất.

Vậy nên nắm giữ bao nhiêu cổ phần để có quyền chi phối/kiểm soát công ty? HUELAW sẽ giải đáp các thắc mắc về tỷ lệ này thông qua bài viết dưới đây.

1. Quyền thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là cơ quan quyết định cao nhất trong công ty cổ phần, do đó, quyền thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là một quyền rất quan trọng đối với mỗi cổ đông. Cổ đông/nhóm cổ đông nào nắm giữ càng nhiều tỷ lệ sở hữu cổ phần thì quyền lực càng lớn bởi vì họ có thể chi phối đến các quyết định của ĐHĐCĐ trong công ty, cụ thể:

Tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định mức tỷ lệ để các nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua, cụ thể là:

Từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành khi biểu quyết tại cuộc họp liên quan đến các vấn đề loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức công ty; thực hiện dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trì từ 35% tổng giá trị tài sản trơ lên; tổ chức lại, giải thể công ty; hoặc các vấn đề khác do điều lệ công ty quy định;

Từ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành khi biểu quyết tại cuộc hợp thuộc các vấn đề nêu tại Khoản 2 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020;

-  Còn trường hợp ĐHĐCĐ biểu quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành.

Như vậy, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 50% cổ phần trong công ty có quyền quyết định gần như các vấn đề quan trọng của công ty. Tuy nhiên, không phải lúc nào cổ đông/nhóm cổ đông cũng có thể nắm giữ được 50% vốn điều lệ. Vậy, trường hợp không nắm giữ được 50% vốn điều lệ thì đạt được mức nào là tốt?

Trường hợp không thể sở hữu được 50% vốn điều lệ thì mức tốt nhất để sở hữu đó là 35% vốn điều lệ. Bởi vì, nếu cổ đông/nhóm cổ đông nào sở hữu tỷ lệ đạt trên 35% vốn điều lệ trở lên, thì cổ đông/nhóm cổ đông có quyền phủ quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thuộc Khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, nếu ĐHĐCĐ muốn thông qua các vấn đề này thì các cổ đông/nhóm cổ đông trong công ty phải thương lượng và thỏa thuận với nhau để giải quyết.

2. Kiểm soát quyền họp và lấy ý kiến bằng văn bản của ĐHĐCĐ và HĐQT trong công ty

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ và HĐQT thì buộc phải họp để biểu quyết hoặc lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản. Theo đó, ĐHĐCĐ biểu quyết dựa trên tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết, còn HĐQT biểu quyết dựa theo số lượng thành viên của HĐQT và mỗi thành viên có một phiếu bầu ngang nhau.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ĐHĐCĐ và HĐQT cũng có thể tổ chức họp được và biểu quyết được. Thêm vào đó, để tổ chức một cuộc họp của ĐHĐCĐ thì cần phải thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cụ thể: ĐHĐCĐ chỉ được tiến hành họp khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiểu biểu quyết. Trường hợp cuộc họp lần đầu không đủ tỷ lệ này, thì cuộc họp lần 2 sẽ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại tiện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên. Và cuộc họp thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp. Tương tự như vậy, HĐQT sẽ họp ít nhất mỗi quý một lần và có thể họp bất thường, việc triệu tập và trình tự thủ tục cũng phải đúng theo quy định tại Điều 157 Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, HĐQT có quyền lấy ý kiến  cổ đông bằng văn bản để thông qua Nghị quyết của ĐHĐCĐ nhưng phải thuộc trường hợp xét thấy cần thiết và vì lợi ích công ty. Nghị quyết ĐHĐCĐ trong công ty được thông qua theo hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết tán thành.

Như vậy, nếu có cổ đông/nhóm cổ đông cố tình làm khó thì ĐHĐCĐ và HĐQT không thể tiến hành họp, cũng như không được lấy ý kiến bằng văn bản thì sẽ không thể thông qua và quyết định được bất kỳ vấn đề nào. Do đó, có thể gián tiếp chi phối công ty bằng cách chi phối ĐHĐCĐ và HĐQT thông qua việc kiểm soát quyền họp.

3. Quyền cử người nắm giữ các chức danh quản lý trong công ty

Trong công ty cổ phần, các chức danh quản lý quan trọng mà một cá nhân có thể nắm giữ bao gồm:

- Chủ tịch HĐQT;

- Thành viên HĐQT;

- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;

- Trưởng ban kiểm soát; kiểm soát viên (nếu có);

Trong đó, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần có thể là Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc, Tổng giám đốc.

Các chức danh nói trên là người hằng ngày chỉ đạo, điều hành và quản lý công ty, là những người quyết định đến hầu hết vấn đề trong công ty. Vì vậy, việc nắm giữ hoặc cử người nắm giữ các chức danh quản lý trong công ty cổ phần sẽ phần nào chi phối, kiểm soát được công ty. Cụ thể:

- Chủ tịch HĐQT là người đứng đầu HĐQT, có vai trò, tiếng nói, vị trí và quyền quyết định lớn nhất trong HĐQT. Điều này thể hiện ở việc xử lý các phiếu biểu quyết của thành viên HĐQT ngang nhau, cụ thể: “trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyền quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị.” Như vậy, có thể thấy, theo quy định này thì Chủ tịch HĐQT có thể có tới 02 phiếu biểu quyết trong trường hợp trên. Thêm vào đó, Chủ tịch HĐQT có thể chi phối và chỉ đạo các chức danh quản lý khác và các hoạt động kinh doanh của công ty, ngoài trừ trường hợp thuộc quyền của ĐHĐCĐ.

- Thành viên HĐQT: Đa số các vấn đề trong công ty cổ phần đều do HĐQT quyết định, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Do đó, việc cử thành viên tham gia vào HĐQT sẽ phần nào chi phối được quyền kiểm soát của công ty. Mỗi thành viên HĐQT có một phiếu biểu quyết, như vậy, nếu HĐQT của công ty có 3 thành viên, thì mỗi thành viên sẽ nắm giữ 1/3 quyền lực của công ty, hoặc nếu có 5 thành viên HĐQT thì mỗi thành viên sẽ năm 1/5 quyền lực của công ty.

Như vậy, càng có nhiều thành viên tham gia HĐQT càng có nhiều cơ hội kiểm soát công ty. Theo quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu 10% vốn điều lệ có quyền đề cử một hoặc một số người người tham gia vào HĐQT. Đồng thời, việc vận dụng quyền lực và phối hợp của các thành viên trong HĐQT để thông qua các quyết định/nghị quyết của HĐQT có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chi phối, kiểm soát công ty cổ phần.

- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của HĐQT; chịu trách nhiệm trước HĐQT và pháp luật về những công việc được giao. Có thể thấy, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người có thực quyền, chịu trách nhiệm điều hành việc kinh doanh của công ty. Do đó, người làm nắm giữ chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty có quyền quyết định và chi phối rất lớn đến công ty cổ phần chỉ sau Chủ tịch HĐQT và thành viên HĐQT.

- Trưởng ban kiểm soát và kiểm soát viên: là những chức danh thực hiện việc giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty. Do vậy, nếu là Trưởng ban kiểm soát và kiểm soát viên thì có quyền giám sát và biết được mọi hoạt động của công ty cổ phần và hoạt động của HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để báo cáo cho ĐHĐCĐ quyết định.

Bên cạnh các hình thức trên, có thể kiểm soát, chi phối công ty thông qua việc quy định và kiểm soát nội dung điều lệ hoặc kiểm soát, chi phối công ty thông qua các văn bản/hợp đồng thỏa thuận trước, sau và khi thành lập hoặc trở thành cổ đông của công ty cổ phần.

Như vậy, các cổ đông/nhóm cổ đông có thể kiểm soát công ty theo các mức độ khác nhau, cụ thể:

-       Sở hữu từ 10% cổ phần: có quyền đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát;

-       Sở hữu từ 35% cổ phần: có quyền phủ quyết thông qua Nghị quyết của ĐHĐCĐ;

-       Sở hữu từ 50% cổ phần: có quyền thông qua Nghị quyết của ĐHĐCĐ.

Việc chi phối và kiểm soát đến hoạt động của công ty cổ phần không chỉ đơn thuần là nắm giữ tỷ lệ cổ phần cần thiết dựa trên vốn điều lệ mà còn nhiều hình thức khác để chi phối/kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện và kinh nghiệm của từng cá nhân mà nên cân nhắc lựa chọn phương án kiểm soát công ty nào hoặc kết hợp tất cả các phương án để có kết quả tốt nhất.

Bộ phận tư vấn pháp luật - Văn phòng luật sư Huế (HUELAW)

Bài viết khác
Xem tin theo ngày