HUELAW - Hỏi: Năm 2020, vợ chồng tôi kết hôn có đăng ký và tổ chức hôn lễ theo đúng tập quán của địa phương. Năm 2021, vợ tôi sinh được một bé trai. Tuy nhiên khi con nhỏ vừa mới được 5 tháng tuổi thì vợ chồng có xảy ra xích mích và vợ tôi đã bỏ nhà đi. Đến nay con đã được 2 tuổi thì vợ tôi quay về khởi kiện yêu cầu ly hôn và giành quyền nuôi con. Trong thời gian vợ bỏ đi, tôi là người trực tiếp chăm nom, nuôi dưỡng con. Được biết theo quy định pháp luật con dưới 36 tháng tuổi sẽ do người mẹ trực tiếp chăm nom, nuôi dưỡng. Vậy khi ly hôn, tôi muốn giành quyền nuôi con có được không?
Trả lời:Sau khi nghiên cứu thông tin bạn cung cấp, căn cứ và quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn thì: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo quy định trên thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Quy định ưu tiên này được đặt ra nhằm bảo vệ quyền lợi của con vì con còn nhỏ, rất cần sự chăm sóc của mẹ.
Tuy nhiên, trong trường hợp của anh, vì vợ anh đã bỏ đi từ khi con chỉ mới 5 tháng tuổi. Người mẹ đã không trực tiếp chăm sóc con, bỏ bê, không quan tâm gì đến con cái, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Con đã ở với anh, do anh trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng từ đó đến này đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu cho mẹ nuôi dưỡng có thể sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu.
Do đó, trường hợp này có thể áp dụng Án lệ số 54/2022/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07 tháng 9 năm 2022 để anh có thể giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Văn phòng luật sư Huế (HUELAW)