Ngày 1/12, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, địa phương này đang tập trung vào việc triển khai các kế hoạch và hành động cụ thể để thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Theo ông Phương, việc thành lập các quận, huyện, xã, phường mới là bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tổ chức hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp, sắp xếp nhân sự, giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư, chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân; việc sắp xếp nhân sự sẽ được thực hiện một cách khoa học, minh bạch và công bằng.
Trong quá trình xây dựng đề án, Huế đã nghiên cứu và đánh giá kỹ, có phương án, lộ trình sắp xếp bộ máy, nhân sự một cách đồng bộ và đảm bảo theo quy định của pháp luật.
"Rất nhiều nội dung công việc cần phải thực hiện, đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân trong xây dựng, phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương", ông Phương cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một mốc son lịch sử, tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới cho Huế phát triển. Các giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế sẽ được bảo tồn và phát huy hơn nữa, với thương hiệu "một điểm đến 8 di sản".
Trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của địa phương này.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của thành phố Huế trong giai đoạn 2023-2025.
Theo nghị quyết của Quốc hội, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 4.900km2 và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại.
Theo nghị quyết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày nghị quyết Quốc hội có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (sẽ trở thành HĐND, UBND thành phố Huế kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực), cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành, sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Theo nghị quyết của Quốc hội, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 133 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố Huế hiện hữu sẽ được tách thành 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa; thành lập mới thị xã Phong Điền; hợp nhất 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc thành huyện mới mang tên Phú Lộc.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ thành lập Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân mới trên cơ sở kế thừa từ tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, đồng thời giải thể và thành lập các cơ quan này tại các đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành.