liên hệ với chúng tôi
Tìm kiếm tin tức
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Nhà báo chỉ được ghi âm, ghi hình phiên tòa khi có sự cho phép của chủ tọa
Ngày cập nhật 25/03/2024

HUELAW - Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai.

Dự kiến chiều 26-3, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Một trong những nội dung Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Hội nghị liên quan đến quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

Đáng chú ý, khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp…

Thường trực Ủy ban Tư pháp cho hay có ý kiến đề nghị làm rõ quy định nói trên của dự thảo về hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

   
ĐBQH-Truong-Trong-Nghia-gop-y-Luat-To-chuc-TAND-sua-doi.jpeg
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa góp ý cho dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 22-11-2023. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ý kiến đa số Thường trực Ủy ban Tư pháp, tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… Các thông tin, chứng cứ này cần được HĐXX xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.

Quy định này còn góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho HĐXX điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “yêu cầu nghiên cứu, rà soát nội dung này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”, Thường trực Ủy ban Tư pháp và TAND Tối cao thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh… trong thời gian tuyên án, công bố quyết định.

 

Đồng thời quy định: “trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên môn hoặc nhiệm vụ khác thì Tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp. Việc cung cấp, sử dụng kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, bí mật nhà nước,…”.

Cũng theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật là hẹp hơn quy định của luật tố tụng hiện hành, chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa (việc ghi âm, ghi hình phần xét hỏi, tranh tụng của phiên tòa phải thông qua Tòa án). Do đó, ý kiến này đề nghị quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa như quy định của luật tố tụng hiện hành.

Cụ thể, khoản 4 Điều 234 Bộ luật TTDS, khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính quy định: Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp.

Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

Góp ý cho dự thảo Luật, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai. Thường trực Ủy ban Văn hóa- Giáo dục đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho cơ quan báo chí đưa tin chính xác về vụ án.

 

Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên được tham dự phiên tòa xét xử công khai theo quy định của pháp luật. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.

2. Người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp.

3. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ.

Trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên môn hoặc nhiệm vụ khác thì Tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp. Việc cung cấp, sử dụng kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong, mỹ tục của dân tộc, hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

4. Người tham dự phiên tòa, phiên họp không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến; không được đưa tin sai sự thật; không đưa tin làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của Tòa án; không được vi phạm quyền con người của bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ án; không được vi phạm quy định về giữ bí mật theo quy định của pháp luật.

Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Phap Luật
Bài viết khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.132.828
Truy cập hiện tại 148
Đối tác
TRT HuếVTV8Báo tuổi trẻBáo pháp luậtBáo Thừa Thiên HuếĐH Luật HuếĐH Kinh tế HuếCông ty DigitechXe buýt Hoàng ĐứcKhách sạn Hoàng CungKhách sạn GoldKhách sạn RomanceCông ty du lịch Hương GiangCông ty du lịch Thanh TâmĐất xanh miền TrungCông ty cổ phần du lịch Huế - Nhà hàng nổi sông Hương