liên hệ với chúng tôi
Tìm kiếm tin tức
Vụ VN Pharma: Cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường ‘tiếp tay’ cho thuốc giả như thế nào?
Ngày cập nhật 13/05/2022

HUELAW - Viện kiểm sát xác định cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường và thuộc cấp tại Cục Quản lý dược đã thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân, làm trái công vụ dẫn đến việc 7 loại thuốc giả được cấp phép và lưu hành tại Việt Nam.

Vụ VN Pharma: Cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường ‘tiếp tay’ cho thuốc giả như thế nào? - Ảnh 1.

Bị cáo Trương Quốc Cường (áo trắng, bên phải) tại phòng xử án - Ảnh: DANH TRỌNG

Trong phiên tòa xử vụ án buôn thuốc giả liên quan đến Công ty VN Pharma, hội đồng xét xử đã dành cả buổi sáng để đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dài 46 trang.

Nội dung bản cáo trạng được viện kiểm sát công bố tại tòa cho thấy những sai phạm của bị cáo Trương Quốc Cường và các thuộc cấp, từ khâu thẩm định là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada được nhập khẩu vào Việt Nam.

Thậm chí những loại thuốc giả này còn được ưu ái để "qua cửa" xét duyệt, thẩm định của hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế, dù thiếu các tiêu chí quan trọng.

‘Dọn đường’ cấp phép cho 7 loại thuốc giả

Theo cáo trạng, Việt kiều quốc tịch Canada Nguyễn Lê Xuân Khang chính là "tác giả" của kế hoạch đưa thuốc giả nhãn mác, xuất xứ từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Hiện tại ông Khang đang bỏ trốn và bị cơ quan công an phát lệnh truy nã.

15 năm trước, ông Khang bắt đầu tiếp cận giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương II (Codupha) để nhờ đứng tên đăng ký và nộp hồ sơ đề nghị Cục Quản lý dược cấp giấy phép lưu hành sản phẩm cho 5 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Tuy nhiên trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép 5 loại thuốc trên, thì giấy chứng nhận lưu hành tự do FSC và giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt GMP do Chính phủ và Bộ Y tế Canada cấp đều bị Khang làm giả.

Cục Quản lý dược đã lập hội đồng gồm 12 chuyên gia, lần đầu thẩm định đã "bác" hồ sơ trên với lý do FSC, GMP đều không hợp lệ. Các hồ sơ không được hợp pháp hóa lãnh sự, GMP đều không có chứng nhận dây chuyền sản xuất đạt quy chuẩn…

Tiếp đó, bị cáo Phạm Hồng Châu - trưởng phòng đăng ký thuốc (Cục Quản lý dược) - đã đồng ý cho Codupha bổ sung tài liệu. Tuy nhiên, hồ sơ 5 loại thuốc trên của Codupha vẫn không đủ tiêu chuẩn nhưng trong lần thẩm định thứ hai, hồ sơ đăng ký đã được những người có trách nhiệm ở Cục Quản lý dược chấp thuận.

Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Trương Quốc Cường, khi đó là cục trưởng Cục Quản lý dược, chủ tịch hội đồng xét duyệt thuốc (Bộ Y tế), đã ký quyết định lưu hành cho 5 loại thuốc Health 2000 Canada giả nhãn mác, xuất xứ.

Quyết định do ông Cường ký đã trở thành "giấy thông hành" để Khang ký hợp đồng với một số doanh nghiệp nhập hàng chục ngàn hộp thuốc giả nhãn mác vào Việt Nam tiêu thụ.

Cũng theo nội dung bản cáo trạng được công bố tại tòa, năm 2010, Khang lại tiếp cận Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex, nhờ đứng tên đăng ký giúp 2 loại thuốc khác là H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Giống như 5 loại thuốc trước, hồ sơ hai loại thuốc này cũng với các tài liệu FSC và GMP đều giả mạo.

Thời điểm Vimedimex làm hồ sơ đăng ký, có công văn gửi Cục Quản lý dược đề nghị thẩm định sớm, hai loại thuốc này có số thứ tự để thẩm định là 9408 và 9409. Khi đó nhóm chuyên gia của Cục Quản lý dược đang tiến hành thẩm định đến hồ sơ có số thứ tự là 8482.

Tuy nhiên, một ngày sau khi nhận công văn từ Vimedimex, bị cáo Cường đã có bút phê chuyển cho thuộc cấp và bị cáo Châu tiếp tục bút phê cho tổ chuyên gia thẩm định.

Sau đó hồ sơ 2 loại thuốc trên đã được ưu ái thẩm định trước, nhảy lên trước hơn 900 bậc trong số thứ tự hồ sơ xin cấp phép.

Viện kiểm sát cáo buộc hành vi của bị cáo Cường là "không đúng quy định" và "thể hiện sự ưu tiên không có lý do chính đáng" với Vimedimex để hồ sơ đăng ký của 2 loại thuốc được thẩm định "sớm trước gần 1.000 hồ sơ thuốc khác".

Ban đầu các chuyên gia trong hội đồng thẩm định đã thống nhất không cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc này vì hồ sơ thiếu nhiều tiêu chí.

Tuy nhiên, sau đó bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (phó phòng quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược) đã có hành vi lợi dụng quyền hạn được giao, tự ý thẩm định lại hồ sơ 2 loại thuốc, tự ý tẩy xóa, thay đổi kết quả đánh giá đề xuất của tiểu ban pháp chế từ "không cấp sổ đăng ký" sang "bổ sung hồ sơ".

Hành vi của bà Thủy đã tạo điều kiện cho 2 loại thuốc mang nhãn hiệu Health 2000 được cấp số đăng ký không đúng quy định.

Sau khi hồ sơ của hai loại thuốc trên được chấp thuận, ông Cường đã ký công bố 214 thuốc nước ngoài được cấp giấy chứng nhận lưu hành, hiệu lực 5 năm, trong đó có H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin mang nhãn Health 2000 Canada.

Nhiều lần ‘phớt lờ’ cảnh báo thuốc giả

Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Trương Quốc Cường đã thiếu trách nhiệm, không quản lý kết quả thẩm định dẫn đến 7 hồ sơ không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm định đạt, cấp số đăng ký. Trong đó 6/7 loại thuốc Health 2000 Canada được nhập khẩu và tiêu thụ hết tại Việt Nam, có trị giá hơn 148 tỉ đồng.

Đáng chú ý, từ trước khi cấp phép cho thuốc lưu hành, cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường đã nhận được cảnh báo của cơ quan điều tra nhưng không đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc giả.

Sau khi xảy ra vụ án VN Pharma giai đoạn 1, Cục Quản lý dược đã có văn bản gửi Đại sứ quán Canada tại Việt Nam để xác minh thông tin Công ty Health 2000 Canada.

Cơ quan điều tra và Bộ Y tế Canada đã có 2 email gửi Cục Quản lý dược với nội dung: "Cả Helix Pharmaceuticals Inc. và Health 2000 Inc. đều không sở hữu giấy phép sản xuất thuốc hợp lệ, cũng như không có bất kỳ sản phẩm nào có mã định danh sản phẩm thuốc hợp lệ, do đó các công ty này không có bất kỳ sản phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Canada".

Cán bộ của phòng đăng ký thuốc đã in 2 email trên ra và báo cáo cục trưởng, tuy nhiên ông Cường chỉ bút phê vào báo cáo nội dung ngắn gọn: "cần có con dấu + chữ ký".

Tiếp đó, khi lần thứ hai được cấp dưới báo cáo nội dung trên, ông Cường cũng chỉ bút phê vào phiếu trình với nội dung: "Tôi đã đề nghị cần có công văn chính thức. Đề nghị lưu hồ sơ báo cáo cơ quan chức năng khi có yêu cầu".

Viện kiểm sát cho rằng mặc dù nhận được các thông tin cảnh báo trên nhưng ông Cường không quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi, dẫn đến hậu quả là sau ngày 21-11-2014, 4 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada vẫn được cung cấp cho các đơn vị kinh doanh dược, các cơ sở y tế để bán, sử dụng điều trị cho người bệnh, có trị giá hơn 3,7 tỉ đồng.

Phiên tòa đang tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.

Báo Tuổi trẻ
Bài viết khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.112.432
Truy cập hiện tại 331
Đối tác
TRT HuếVTV8Báo tuổi trẻBáo pháp luậtBáo Thừa Thiên HuếĐH Luật HuếĐH Kinh tế HuếCông ty DigitechXe buýt Hoàng ĐứcKhách sạn Hoàng CungKhách sạn GoldKhách sạn RomanceCông ty du lịch Hương GiangCông ty du lịch Thanh TâmĐất xanh miền TrungCông ty cổ phần du lịch Huế - Nhà hàng nổi sông Hương