liên hệ với chúng tôi
Tìm kiếm tin tức
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.117.274
Truy cập hiện tại 5
GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CẦN BIẾT
Ngày cập nhật 25/03/2023

HUELAW - Trong bài viết dưới đây, Huelaw sẽ chia sẻ về Giải thể Doanh nghiệp và những vấn đề pháp lý cần biết để quý khách có thể lưu ý khi thực hiện thủ tục này.

 

1. Các trường hợp Doanh nghiệp giải thể

Theo quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020, giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp (xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh) bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị giải thể trong 04 trường hợp sau đây:

Thứ nhất: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

Thứ hai: Theo quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp;

Thứ ba: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

Thứ tư: Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều kiện giải thể Doanh nghiệp

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và không đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án hoặc Trọng tài thương mại. Theo Luật Doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không bảo đảm việc thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, thì không được phép chấm dứt hoạt động theo hình thức giải thể doanh nghiệp, mà phải thực hiện theo thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Lưu ý: Đối với trường hợp mà Doanh nghiệp sẽ dự kiến thanh toán hết nợ, nên tiến hành thủ tục giải thể, nhưng sau khi tiến hành thanh lý, phân chia tài sản thì mới thấy không đủ khả năng thanh toán hết nợ. Để tránh phải chuyển từ thủ tục giải thể sang phá sản thì doanh nghiệp tiến hành giải thể trong trường hợp này với điều kiện là các chủ nợ có văn bản chấp nhận cho doanh nghiệp giải thể.

3. Trình tự, thủ tục giải thể Doanh nghiệp

3.1. Quyết định giải thể doanh nghiệp:

Quyết định giải thể Doanh nghiệp phải có những nội dung sau đây:

-  Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

- Lý do giải thể;

- Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;

- Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

- Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị;

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhành, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thành toán thì phải gửi phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan kem theo quyết định giải thể. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, thời điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ (khoản 1, 3 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020).

3.2. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp

Hồ sơ giải thể doanh nghiệp gồm các văn bản sau:

- Thông báo về giải thể doanh nghiệp;

- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có)

3.3. Thanh lý tài sản

Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

3.4. Thanh toán nợ và phân chia tài sản

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau:

- Nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

- Nợ thuế;

- Các khoản nợ khác;

Riêng đối với các khoản nợ của doanh nghiệp đang bị cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu hoặc được bảo đảm bằng các biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh, đạt cọc, ký quỹ, ký cược hợp pháp thì sẽ được ưu tiên thanh toán trước các khoản nợ nói trên theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

  Lưu ý: Riêng đối với các khoản nợ của doanh nghiệp đang bị cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu hoặc được bảo đảm bằng các biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh, đạt cọc, ký quỹ, ký cược hợp pháp thì sẽ được ưu tiên thanh toán trước các khoản nợ nói trên theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

3.5. Kết thúc việc giải thể

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp mà không nhận được ý kiến phản đối của bên có liên quan bằng văn bản thì việc giải thể được ghi nhận trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

4. Các hoạt động bị cấm

Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây:

- Cất giấu, tẩu tán tài sản;

- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;

- Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;

- Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

- Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

- Huy động vốn dưới mọi hình thức.

Lưu ý: Các nhân có hành vi vi phạm đối với các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trên đây là một số vấn đề về Giải thể Doanh nghiệp và những vấn đề pháp lý cần biết. Hy vọng bài viết này có thể giúp khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề thủ tục giải thể doanh nghiệp. Hãy luôn thường xuyên theo dõi Huelaw để trau dồi cho mình những kiến thức mới mẻ khác nhé!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Văn phòng luật sư Huế (HUELAW)

 

Bài viết khác
Xem tin theo ngày  
Đối tác
TRT HuếVTV8Báo tuổi trẻBáo pháp luậtBáo Thừa Thiên HuếĐH Luật HuếĐH Kinh tế HuếCông ty DigitechXe buýt Hoàng ĐứcKhách sạn Hoàng CungKhách sạn GoldKhách sạn RomanceCông ty du lịch Hương GiangCông ty du lịch Thanh TâmĐất xanh miền TrungCông ty cổ phần du lịch Huế - Nhà hàng nổi sông Hương