Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia tài sản đặt cọc (có thể là một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Khi nào Hợp đồng đặt cọc vô hiệu?
Hợp đồng đặt cọc là một dạng hợp đồng, do đó nó tuân theo các quy định về các trường hợp vô hiệu của hợp đồng tại điều 407, 408 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Theo Điều 407 quy định về Hợp đồng vô hiệu thì các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
Theo đó, Hợp đồng đặt cọc vô hiệu trong các trường hợp sau:
1. Hợp đồng đặt cọc vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội, có nội dung vi phạm những điều cấm của luật thì bị vô hiệu.
- Vi phạm điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
- Trái với đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
2. Hợp đồng đặt cọc vô hiệu do giả tạo.
- Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng khác thì hợp đồng giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng đó cũng vô hiệu theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo lập nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì hợp đồng đó vô hiệu.
3. Hợp đồng bị vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự khi xác lập và thực hiện.
4. Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do bị nhầm lẫn.
Khi hợp đồng được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp mục đích của hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
5. Hợp đồng đặt cọc do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
6. Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình tại thời điểm xác lập.
7. Hợp đồng đặt cọc không tuân thủ quy định về hình thức.
8. Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được. Khi giao kết hợp đồng đặt cọc mà đối tượng trong hợp đồng không thể thực hiện thì lúc này hợp đồng bị vô hiệu.
Hậu quả pháp lý khi Hợp đồng đặt cọc vô hiệu?
1. Trường hợp không bị phạt cọc
Nếu cả hai bên cùng có lỗi hoặc trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan làm hợp đồng đặt cọc vô hiệu thì sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và không bồi thường thiệt hại.
2. Bên gây ra lỗi phải thực hiện bồi thường
Trong trường hợp đặt cọc chỉ để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng hoặc chỉ để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng hoặc vừa để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng vừa để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng thì bên nào có lỗi làm cho hợp đồng bị vô hiệu thì phải chịu phạt cọc.
Nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định điều kiện nếu đặt cọc bị vô hiệu là hợp đồng cũng bị vô hiệu, thì hợp đồng đương nhiên bị vô hiệu khi đặt cọc đó bị vô hiệu. Việc xử lý hợp đồng đặt cọc vô hiệu thực hiện theo Điều 131 Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, giao dịch dân sự vô hiệu sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập. Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên nào có lỗi làm cho hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu thì phải chịu phạt cọc.
Trên đây là những vấn đề giải đáp Khi nào hợp đồng đặt cọc vô hiệu và Hậu quả pháp lý khi Hợp đồng đặt cọc vô hiệu. Hy vọng bài viết này có thể giúp khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề Hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu. Hãy luôn thường xuyên theo dõi Huelaw để trau dồi cho mình những kiến thức mới mẻ khác nhé!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Văn phòng luật sư Huế (HUELAW)